Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Căn cứ nội dung tại Điều 21 Luật bưu chính 2010, doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện:
- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
- Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
- Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
- Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính, các doanh nghiệp này có thể bị thu hồi Giấy phép bưu chính nếu có một trong những hành vi sau đây:
Một là, hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội;
Hai là, cung cấp thông tin giả mạo hoặc cố ý gian dối để được cấp giấy phép;
Ba là, không còn đủ các điều kiện để được cấp giấy phép;
Bốn là, cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung được ghi trong giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Năm là, sau 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép chưa triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính được ghi trong giấy phép;
Sáu là, cho thuê, cho mượn giấy phép; chuyển nhượng giấy phép trái pháp luật.
Sau 01 năm kể từ khi bị thu hồi giấy phép, trừ trường hợp tại Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật bưu chính 2010, nếu đã khắc phục được hậu quả gây ra và có đủ các điều kiện để được cấp giấy phép, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép có thể làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép mới.
Đây là nội dung quy định tại Điều 24 Luật bưu chính 2010.