Hiện nay Công ty tôi đang hoạt động kinh doanh thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và có kế hoạch bổ sung mảng thu gom, vận chuyển rác thải độc hại. Vậy tôi kính mong Công ty giải đáp cho tôi nhưng thắc mắc sau:
1. Rác thải độc hại và chất thải nguy hại có cùng thuộc 1 nhóm đối tượng không? Vì khi tra cứu mã ngành nghề trong đăng ký kinh doanh tôi chỉ thấy xuất hiện mã 3812- Thu gom rác thải độc hại chứ không có thu gom chất thải nguy hại.
2. Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay có còn có tên gọi nào khác không?
3. Điều kiện và thủ tục/hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề thu gom/ vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay bao gồm những gì?Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết?Tôi xin chân thành cảm ơn! Mong thư hồi đáp của quý Công ty
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Rác thải độc hại và chất thải nguy hại có cùng thuộc 1 nhóm đối tượng không? Vì khi tra cứu mã ngành nghề trong đăng ký kinh doanh tôi chỉ thấy xuất hiện mã 3812 – Thu gom rác thải độc hại chứ không có thu gom chất thải nguy hại.
Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2014 chất thải được xác định như sau:
Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Chất thải được xác định gồm:
+ Chất thải nguy hại
+ Chất thải thông thường
Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Bạn có thể dựa vào nội dung nêu trên để xác định mã ngành đăng ký.
2. Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay có còn có tên gọi nào khác không?
Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015
Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là giấy phép cấp cho chủ xử lý chất thải nguy hại để thực hiện dịch vụ xử lý, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại (có thể bao gồm hoạt động vận chuyển, trung chuyển, lưu giữ, sơ chế). Nếu như hoạt động bạn đang muốn thực hiện là có kế hoạch bổ sung mảng thu gom, vận chuyển rác thải độc hại thì giấy phép cần có là Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
3. Điều kiện và thủ tục/hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề thu gom/ vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay bao gồm những gì?Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết?Tôi xin chân thành cảm ơn! Mong thư hồi đáp của quý Công ty
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc. Nếu bên bạn muốn được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải có đủ những điều kiện sau:
Điều kiện cấp phép:
Thứ nhất: Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như sau:
+ Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 bao gồm: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định đánh giá tác động môi trường; hoặc giấy tờ tương đương với các văn bản này;
+ Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động.
Thứ hai: Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
Thứ tư: Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
Thứ năm: Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu như sau:
+ Một cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải có ít nhất 02 (hai) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học và được cấp chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại theo quy định;
+ Một trạm trung chuyển chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;
+ Nhân sự nêu trên phải được đóng bảo hiểm xã hội, y tế theo quy định của pháp luật; có hợp đồng lao động dài hạn trong trường hợp không có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương) hoặc không thuộc ban lãnh đạo hoặc biên chế củatổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại;
+ Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị.
Thứ sáu: Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có) và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) chất thải nguy hại.
Thứ bảy: Có phương án bảo vệ môi trường trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.
Thứ tám: Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động.
Lưu ý 1: Điều kiện thứ nhất không áp dụng đối với các trường hợp sau:
+ Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;
+ Cơ sở xử lý chất thải đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải có phương án trình cơ quan cấp phép xử lý chất thải nguy hại để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai việc cải tạo, nâng cấp.
Lưu ý 2: Các trường hợp không được coi là cơ sở xử lý chất thải nguy hại và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại:
+ Chủ nguồn thải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý hoặc thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;
Xem thêm: Kiểm dịch động vật vận chuyển trong tỉnh
+ Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm;
+ Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm).
Về hồ sơ xin cấp phép:
+ Đơn đăng ký (theo mẫu).
+ 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là báo cáo ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.
+ 01 (một) bản sao văn bản về quy hoạch có nội dung quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
+ Các giấy tờ pháp lý đối với trạm trung chuyển CTNH (nếu có) quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT
+ Các mô tả, hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT
+ Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (C) ban hành kèm theo Thông tư này. Kế hoạch vận hành thử nghiệm được đóng quyển riêng với bộ hồ sơ đăng ký.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Luật Việt Phú:
– Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại
– Hồ sơ quy hoạch quản lý chất thải rắn
– Quy định của pháp luật về chất thải y tế
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn.