Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 25% từ nay đến năm 2025. Vì vậy, bên cạnh việc duy trì các dịch vụ truyền thống, dịch vụ tài chính, thì thương mại điện tử được coi là cơ hội của các doanh nghiệp bưu chính trong nước tham gia để thúc đẩy tăng trưởng cao…
Đầu tư dây chuyền tự động là cách để doanh nghiệp bưu chính nâng cao hiệu quả khai thác.
Theo dự báo của đơn vị đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam (công bố năm 2018), thương mại điện tử Việt Nam sẽ giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới. Dự báo đến năm 2020 thị trường đạt 10-12 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/ năm cho mua sắm online. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển phát thương mại điện tử, cạnh tranh ngày càng cao, đặc biệt có sự tham gia của các mô hình kinh doanh mới. Điểm chú ý nhất là có sự tham gia của các hãng chuyển phát dựa trên nền tảng công nghệ như Grab, GoViet, Ahamove… Các doanh nghiệp này đại diện cho mô hình “kinh tế chia sẻ” có khả năng cung cấp phi tập trung các dịch vụ giao hàng tốc độ nhanh và đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Sự cạnh tranh tại phân khúc chuyển phát cho thương mại điện tử cũng ở mức độ rất cao với sự tham gia của các doanh nghiệp chuyển phát truyền thống và các nhà cung cấp chuyên biệt cho thương mại điện tử như LEX, Giaohangnhanh, Giaohang btietkiem,… Vậy, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp bưu chính trong nước?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các doanh nghiệp bưu chính nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng có cơ hội tăng trưởng tốt bằng việc chuyển dịch trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, bưu chính tham gia phát triển dịch vụ chuyển phát hàng thương mại điện tử và các dịch vụ logistics khác cho thương mại điện tử. Cùng với đó, có thể trực tiếp kinh doanh thương mại điện tử (mô hình sàn, chợ thương mại điện tử). Đồng thời tổ chức mô hình kinh doanh phân phối bán lẻ O2O (online-offline) kết hợp giữa trực tiếp kinh doanh phân phối bán lẻ hàng hóa tại bưu cục, trực tiếp tới khách hàng với website thương mại điện tử.

Ngoài ra, với kinh nghiệm cung cấp các giải pháp tài chính bưu chính và khả năng tiếp cận tới từng cá nhân khách hàng, Bưu điện Việt Nam có khả năng tham gia đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cũng theo phân tích của lãnh đạo Bưu điện Việt Nam, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trên 30% với quy mô chiếm 70% thị trường cả nước, do vậy để chiếm lĩnh các doanh nghiệp bưu chính và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cần tập trung phát triển các dịch vụ cao cấp, ứng dụng công nghệ thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc khách hàng.

Với thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp bưu chính trong nước có thể phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn tại các vùng trọng điểm làm nền tảng cho thương mại điện tử. Về vấn đề này, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho rằng, các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam cần xây dựng hạ tầng dùng chung. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, phát huy tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải và logistics phát triển mạnh. Theo đó, Nhà nước nên đầu tư xây dựng các trung tâm khai thác bưu chính hiện đại tại các vùng trọng điểm; thực hiện quy hoạch lại các tuyến vận tải theo hướng chia sẻ mạng vận chuyển.

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính trong nước cũng đã đầu tư xây dựng trung tâm khai thác vận chuyển lớn. Trong đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam từ cuối năm 2018 đã khánh thành Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh và là một trong 7 trung tâm khai thác vận chuyển vùng mà Tổng công ty định hướng hoàn thành từ nay đến năm 2025; cùng với đó là hình thành 3 trung tâm trung chuyển lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng… Rõ ràng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bưu chính truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tham gia lĩnh vực thương mại điện tử.