Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 14/2018/TT-BTTTT quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính.

Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải công khai các nội dung tối thiểu sau đây:

– Loại dịch vụ bưu chính mà doanh nghiệp đang cung ứng và quy định về chất lượng dịch vụ tương ứng;

– Đầu mối tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ bưu chính;

– Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ bưu chính;

– Thông tin về hỗ trợ khách hàng.

Các nội dung trên phải được niêm yết tại nơi dễ đọc hoặc công khai bằng các hình thức khác thuận tiện cho khách hàng tiếp cận ở tất cả các điểm phục vụ và trên chuyên mục “Quản lý chất lượng dịch vụ” ở trang TTĐT (nếu có).

(Quy định hiện hành tại Thông tư 15/2011/TT-BTTTT chỉ quy định doanh nghiệp được chỉ định để thực hiện nghĩa vụ bưu chính công ích công khai thông tin).

Thông tư 14/2018/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018.

Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-BTTTT Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thì trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính thuộc về các cơ quan sau đây:

– Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và truyền thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính trên phạm vi cả nước.

– Các Sở Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn quản lý của mình theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao.

Trên đây là nội dung trả lời về cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 15/2011/TT-BTTTT.

Chi phí kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính công ích được quy định như thế nào?

Chi phí kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích được quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2011/TT-BTTTT Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành với nội dung như sau:

– Chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá các chỉ tiêu để phục vụ kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính công ích do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan kiểm tra.

– Căn cứ kết quả kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá, cơ quan kiểm tra kết luận doanh nghiệp được kiểm tra vi phạm quy định về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích thì doanh nghiệp được kiểm tra phải trả chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá cho cơ quan kiểm tra.

Trên đây là nội dung trả lời về chi phí kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 15/2011/TT-BTTTT.

Nội dung kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính công ích được quy định như thế nào?

Nội dung kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 15/2011/TT-BTTTT Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bao gồm:

– Kiểm tra việc doanh nghiệp được chỉ định chấp hành các quy định quản lý về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích.

– Thử nghiệm, lấy mẫu và kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn và mức chất lượng mà doanh nghiệp được chỉ định công bố.

Trên đây là câu trả lời về nội dung kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 15/2011/TT-BTTTT.