Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư bởi với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ nay cho đến năm 2020 là 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 623 tỷ USD vào năm 2020. Kết quả của sự tăng trưởng này kéo theo nhu cầu cải thiện ngành dịch vụ Logistics với mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và tối đa hóa lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Do đó, nhu cầu thành lập công ty kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam đang tăng cao đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Để cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến thủ tục thành lập công ty cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực Logistics, công ty luật Việt Phú xin cung cấp khách hàng các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục để nhà đầu tư có thể hợp pháp tiến hành kinh doanh tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý:
- Biểu cam kết Việt Nam tham gia WTO;
- Luật Đầu tư 2014;
- Luật Doanh nghiệp 2014;
- Nghị định 118/2015/NĐ-CP;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP;
- Nghị định 163/2017/NĐ-CP;
- Công ty không có vốn nước ngoài
Việc thành lập doanh nghiệp 100% vốn trong nước kinh doanh dịch vụ Logistics được nhận xét đơn giản hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu nhà đầu tư trong nước thành lập doanh nghiệp Việt Nam 100% vốn trong nước, ngoài việc tiến hành thành lập doanh nghiệp theo thủ tục Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư phải được cấp Giấy phép kinh doanh một số dịch vụ của Logistics tại các cơ quan có thẩm quyền, phụ thuộc vào dịch vụ kinh doanh ví dụ như: Cục hàng không Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam, …
Các bước thành lập doanh nghiệp bao gồm:
Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp theo mẫu của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hồ sơ sẽ gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
- Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (công dân Việt Nam: thẻ căn cước công dân, chứng minh thư còn hiệu lực và người nước ngoài: hộ chiếu còn hiệu lực) của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
- Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức
- Giấy ủy quyền cho Luật Việt Phú.
Bước 2: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp (nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành, nghề kinh doanh của công ty).
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp
Trong vòng 01 ngày kể từ ngày công ty có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Luật Việt Phú sẽ khắc dấu pháp nhân và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh cho Quý công ty.
Sau khi được thành lập, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh một số ngành nghề của dịch vụ Logistics. Theo đó, tùy vào lĩnh vực Logistics doanh nghiệp lựa chọn, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu riêng biệt theo từng ngành nghề kinh doanh đó theo các điều kiện được công khai trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trước hết nhà đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam (nếu đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư không cần tiến hành thủ tục này).
Để được phép đầu tư thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xem xét:
- Nếu nhà đầu tư thuộc quốc gia, lãnh thổ nằm trong Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên và có cam kết mở cửa thị trường, nhà đầu tư phải tham khảo Biểu cam kết của Việt Nam trong Điều ước đó. Bởi trong cam kết sẽ thể hiện những hạn chế và yêu cầu khi tiến hành hiện diện thương mại tại đối hoạt động ngành nghề vận tải và các ngành nghề phụ trợ kèm theo (như dịch vụ thông quan, xếp dỡ container). Ví dụ, đối với dịch vụ vận tải biển, nhà đầu tư được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam (mục a khoản 3 Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP).
- Trong trường hợp nhà đầu tư không thuộc trường hợp trên, để được phép đầu tư nhà đầu tư phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tục như sau:
Bước 1: Các nhà đầu tư liệt kê thông tin của dự án trên Cổng thông tin đầu tư quốc gia. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
- Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án được yêu cầu.
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một tài khoản truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để giám sát quá trình tiến hành.
Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ sử dụng Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, tiến hành, trả lời kết quả của hồ sơ, cập nhật tiến trình tiến hành và cấp mã của dự án.
Sau 35 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầu tư, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp tương tự như đã đề cập trên.
Giống như với doanh nghiệp 100% vốn nội địa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tiến hành xin Giấy phép kinh doanh đối với một số ngành nghề thuộc dịch vụ Logistics. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khác nhau trong từng lĩnh vực.
Lưu ý: Đối với các dịch vụ Logistics mà Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường sẽ không đòi hỏi phải được cấp Giấy phép kinh doanh như vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển, dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển,…
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, HN.
http://giayphepbuuchinh.com
http://giayphepthanhlapcongty.com
http://thutucgiayphep.com
http://luatvietphu.com.vn