Doanh nghiệp khi cung ứng dịch vụ bưu chính phải có giấy phép bưu chính và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Công ty A đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn quy định về xác nhận thông báo hoạt động bưu chính của các đối tác làm việc với công ty A.
Công ty A thành lập theo pháp luật Việt Nam, đã được cấp giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận hoạt động bưu chính, chuyên cung cấp các dịch vụ chuyển phát nội tỉnh và liên tỉnh trong lãnh thổ Việt Nam từ năm 2017. Công ty có quyền sử dụng độc quyền các nhãn hiệu của một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài và có quyền cho các bên thứ ba được quyền sử dụng các nhãn hiệu này tại Việt Nam.
Công ty A dự định tổ chức cung cấp các dịch vụ bưu chính theo một trong hai mô hình sau:
Nhượng quyền thương mại: Sau khi công ty cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài hoàn thành thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại cho công ty A tại Việt Nam, công ty A sẽ nhượng quyền cho các doanh nghiệp đối tác thành lập tại Việt Nam thông qua việc ký các hợp đồng nhượng quyền với các công ty này, được hiểu là các bên nhận nhượng quyền thứ cấp.
Đại lý thương mại: Công ty A và các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam sẽ ký các hợp đồng đại lý, theo đó các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam sẽ trở thành đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính cho công ty A.
Theo hai mô hình trên, các doanh nghiệp đối tác khi nhận nhượng quyền hoặc nhận giao đại lý từ công ty A sẽ cung cấp các dịch vụ bưu chính gắn liền với các nhãn hiệu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.
Các doanh nghiệp đối tác không nhân danh chính mình cung cấp dịch vụ bưu chính hoặc cung cấp bất kỳ dịch vụ bưu chính nào do doanh nghiệp đối tác tự tổ chức và triển khai trừ dịch vụ bưu chính nhận nhượng quyền hoặc nhận giao đại lý từ công ty A.
Để bảo đảm tuân thủ với quy định của pháp luật Việt Nam, Chi nhánh Công ty Luật TNHH DIMAC tại Hà Nội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến xác nhận về yêu cầu phải thông báo về hoạt động bưu chính như sau:
Các doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam là bên nhận nhượng quyền của công ty A (trong trường hợp công ty A tổ chức kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại) không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính vì không thuộc trường hợp “nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam” theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính.
Các doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam là đại lý của công ty A (trong trường hợp công ty A tổ chức kinh doanh theo mô hình đại lý thương mại) không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính vì không thuộc trường hợp “làm đại lý cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài” theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính;
Các doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam cũng không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính trong trường hợp các doanh nghiệp này không nhân danh chính mình để cung cấp bất kỳ dịch vụ bưu chính nào thuộc các trường hợp được quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính.
Về vấn đề này, Công ty luật Việt Phú trả lời như sau:
Về kinh doanh dịch vụ bưu chính: Doanh nghiệp khi cung ứng dịch vụ bưu chính phải có giấy phép bưu chính (theo quy định tại Điều 21 Luật Bưu chính) và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Về nhượng quyền thương mại: Khi nhận nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam thì phải được thông báo bằng văn bản tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính và Điểm b Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính).
Đại lý thương mại: Các quy định của pháp luật bưu chính hiện hành không quy định doanh nghiệp làm đại lý cho doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam phải làm thủ tục thông báo hoạt động bưu chính tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.