Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thoả thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi, theo đó doanh nghiệp chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi đến địa điểm theo yêu cầu của người gửi và người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính.
Theo quy định tại Điều 9 Luật bưu chính 2010 và Điều 3 Thông tư 02/2012/TT-BTTTT, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được giao kết bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi. Dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian và địa điểm chấp nhận bưu gửi là căn cứ xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.
Thông tin xác định thời gian, địa điểm chấp nhận bưu gửi được thể hiện bằng các hình thức sau:
- Đóng dấu ngày;
- Viết tay;
- In;
- Gắn hoặc dán nhãn.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của các thông tin về thời gian, địa điểm chấp nhận bưu gửi so với thời gian, địa điểm chấp nhận thực tế của bưu gửi.
Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản sử dụng trong quá trình cung ứng dịch vụ bưu chính phải phù hợp với mẫu hợp đồng đã báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi ký kết những thỏa thuận khác có liên quan đến hợp đồng, các thỏa thuận này được coi là một phần không tách rời của hợp đồng.
Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản phải có những nội dung chính sau đây:
- Loại hình dịch vụ bưu chính;
- Khối lượng, số lượng bưu gửi;
- Thời gian, địa điểm và phương thức cung ứng dịch vụ bưu chính;
- Chất lượng dịch vụ bưu chính;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Giá cước và phương thức thanh toán;
- Trách nhiệm và mức bồi thường tối đa khi có vi phạm hợp đồng.
Hợp đồng giao kết bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt; nếu các bên có thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác thì văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng ngôn ngữ khác có giá trị pháp lý như nhau.
Chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi có giá trị pháp lý như hợp đồng giao kết bằng văn bản giữa các bên khi đáp ứng các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật bưu chính 2010.
Chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
- Số hiệu, ký hiệu đặc thù của bưu gửi theo quy định của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ;
- Dấu hiệu xác nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ;
- Thời điểm chấp nhận bưu gửi.
Đây là nội dung quy định tại Điều 10 Luật bưu chính 2010 và Điều 1, Điều 2 Thông tư 02/2012/TT-BTTTT.