Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là một quy trình đòi hỏi người tham gia quá trình vận chuyển phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện khi tiến hành vận chuyển. Do mức độ gây nguy hiểm cho con người và môi trường cao hơn nhiều lần những hàng hóa thông thường. Nên nếu không có sự kiểm soát nghiêm ngặt thì một sai sót nhỏ cũng để lại hậu quả vô cùng lớn. Và việc khắc phục hậu quả cũng không phải dễ dàng, mất nhiều thời gian và chi phí.
Khi đã đáp ứng các điều kiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (bạn đọc có thể tham khảo tại bài viết “Điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm”) đơn vị vận chuyển phải tiến hành cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Việc cấp giấy phép chỉ áp dụng với các trường hợp nhất định. Ngoài những trường hợp trên thì không cần cấp Giấy phép khi tiến hành vận chuyển hàng hóa nguy hiểm[1Danh sách hàng hóa nguy hiểm được miễn cấp giấy phép vận chuyển). Trường hợp hàng hóa nguy hiểm thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thì tiến hành như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8[2] bao gồm[3]:
– Giấy đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. (Theo mẫu PHỤ LỤC IV)
– Bản sao có chứng thực Giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô hoặc Giấy phép kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
– Bản sao có chứng thực danh sách phương tiện tham gia vận chuyển, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm còn hiệu lực.
– Bản sao hoặc bản chính Danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển. Trường hợp người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa đính kèm chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng, thuyền viên đường thủy nội địa.
– Bản sao phương án vận chuyển nêu rõ lộ trình vận chuyển, lịch trình, phương án ứng cứu sự cố trong vận chuyển hàng hoá nguy hiểm.
– Bản sao hoặc bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả thẩm định các vật liệu bao bì đóng gói vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Cơ quan giải quyết: Nộp hồ sơ về Bộ Khoa Học và Công Nghệ.
Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9[4] bao gồm[5]:
– Thành phần hồ sơ tương tự cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8 và bổ sung thêm các hồ sơ sau:
– Bản sao phương án vận chuyển nêu rõ tuyến đường, lịch trình, biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ; Bản sao hoặc bản chính Phương án ứng phó sự cố tràn dầu (áp dụng trong trường hợp vận chuyển xăng dầu trên đường thủy nội địa).
– Bản sao hoặc bản chính hợp đồng mua bán, cung cấp vật liệu nổ công nghiệp (nếu hàng hóa vận chuyển là vật liệu nổ), Quyết định hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển hàng hóa đi tiêu hủy).
– Bản sao hoặc bản chính biên bản kiểm tra điều kiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của người vận chuyển và phương tiện vận chuyển.
– Bản sao hoặc bản chính giấy đăng ký khối lượng, chủng loại và thời gian tiếp nhận quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển đến hoặc văn bản cho phép về địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản cho phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;
– Bản sao hoặc bản chính văn bản cho phép xuất khẩu hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài (áp dụng trong trường hợp vận chuyển ra nước ngoài).
Cơ quan giải quyết: Nộp hồ sơ về Bộ Công An.
Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm[6]:
– Thành phần hồ sơ tương tự cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8 và bổ sung thêm các hồ sơ sau:
– Bản sao hoặc bản chính hợp đồng cung ứng; Hóa đơn tài chính về xuất, nhập hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật;
Cơ quan giải quyết: Nộp hồ sơ về Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển nông thôn.
Trường hợp cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi có sự thay đổi[7]:
– Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm;
– Hồ sơ chứng minh sự thay đổi về thông tin (trong trường hợp có sự thay đổi liên quan đến nội dung) hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm (trong trường hợp bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy phép).
Thời hạn của Giấy phép vận chuyển tối đa là 24 tháng và không vượt quá thời hạn sử dụng còn lại của phương tiện vận chuyển.
Việc cấp Giấy phép nhằm mục đích để các cơ quan quản lý chuyên ngành của từng loại hàng hóa nguy hiểm kiểm tra, đánh giá năng lực của đơn vị vận chuyển. Đảm bảo một khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, đơn vị vận chuyển đã đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo an toàn, có đủ kiến thức để trong quá trình vận chuyển không làm phát sinh các vấn đề nguy hiểm không đáng có. Đồng thời có khả năng xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình vận chuyển đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người vận chuyển, môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Lưu ý Nghị định 42/2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/06/2020.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 16.6 NĐ 42/2020
[2] Điều 4 NĐ 42/2020
[3] Điều 17.1 NĐ 42/2020
[4] Điều 4 NĐ 42/2020
[5] Điều 17.2 NĐ 42/2020
[6] Điều 17.3 NĐ 42/2020
[7] Điều 17.4 NĐ 42/2020