Công ty CP Vinacapital Việt Nam kinh doanh dịch vụ bưu chính và có kế hoạch sử dụng 25 xe ô tô trọng tải 3,5 tấn và xe trọng tải 5 tấn của Công ty để vận chuyển hàng hóa giữa các bưu cục trong mạng bưu chính, sau đó đi giao cho khách hàng, không thu tiền cước phí vận tải trực tiếp. Vậy Công ty có phải xin giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu không?
Khi lưu thông trên đường thì phương tiện nội bộ của Công ty phải đáp ứng các điều kiện và giấy tờ gì để có thể lưu thông một cách hợp pháp trên đường? Công ty có thể sử dụng tài liệu nào để chứng minh không thuộc trường hợp được cấp phù hiệu?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.
Mặt khác, theo quy định tại Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ và các Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam quy định như sau: “… kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% và 100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam”.
Theo nội dung công văn của Công ty cổ phần Vinacaptal Việt Nam cho thấy, Công ty có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt quá 51% và Công ty dự kiến sử dụng phương tiện để phục vụ cho hoạt động bưu chính/chuyển phát theo ngành nghề kinh doanh và Giấy phép bưu chính của Công ty.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay khi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt 51% thì trong Giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải theo quy định nên không được thực hiện cấp Giấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ thì không thuộc đối tượng để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải.
Hiện tại, đối với quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải) thì Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Khoản 10 Điều 23 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải). Vì vậy, nội dung này sẽ triển khai khi có quy định mới.
Quy định về hoạt động vận chuyển bưu chính
Về hoạt động vận chuyển bưu chính, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến làm rõ ý kiến của Công ty đã nêu trên (cụ thể trong hoạt động vận chuyển bưu chính có bóc tách cụ thể tiền vận chuyển khi vận chuyển và phát bưu kiện đến khách hàng hay không?) và nhận được văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung như sau:
“1. Khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính quy định: “ Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử” nên có thể ghi nhận hoạt động vận chuyển là một khâu của quy trình cung ứng dịch vụ bưu chính.
2. Khoản 3 Điều 28 Luật Bưu chính quy định: “Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm: Quyết định giá cước dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp cung ứng, trừ dịch vụ bưu chính thuộc danh mục do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định giá cước” trên cơ sở chi phí sản xuất, quan hệ cung cầu thị trường, mức giá cước cùng loại trên thị trường khu vực, thế giới; có trách nhiệm thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính giá cước các dịch vụ bưu chính, niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính, không quy định việc bóc tách cụ thể tiền vận chuyển khi cung ứng dịch vụ bưu chính phục vụ khách hàng.
3. Việc xác định các hoạt động là kinh doanh vận tải hay hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô cần căn cứ vào quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ và do Bộ Giao thông và Vận tải hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, Công ty cổ phần Vinacapital có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt quá 51% nên cần tuân thủ các Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với hoạt động dịch vụ vận tải”.
Như vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: “2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”; Mục 1 và Mục 2 văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông và nội dung kiến nghị của Công ty; thì việc đầu tư phương tiện để thực hiện như doanh nghiệp sẽ là hoạt động kinhdoanh vận tải theo đúng định nghĩa tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Do đó, Công ty cần thực hiện theo quy định của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ và các Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và các quy định của hoạt động kinh doanh vận tải.
Chinhphu.vn
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, HN.
http://giayphepbuuchinh.com
http://giayphepthanhlapcongty.com
http://thutucgiayphep.com
http://luatvietphu.com.vn